Tiểu sử Diệu_Nhân

Sư bà Diệu Nhân trước khi xuất gia có tên là Lý Ngọc Kiều (李玉嬌) hay Lý Thị Ngọc Kiều (李氏玉嬌). Bà là con gái lớn của Phụng Càn vương Lý Nhật Trung, con trai thứ của Lý Thái Tông và là em trai của Lý Thánh Tông.

Thuở nhỏ, bà được Lý Thánh Tông nuôi ở trong cung; lớn lên dù không phải con gái của Hoàng đế, bà vẫn được phong làm Công chúa. Khoảng năm 1058 bà được nhà vua gả cho Châu mục Chân Đăng[2] họ Lê (không rõ tên). Khi chồng mất, bà tự nguyện thủ tiết không chịu tái giá.

Theo Thiền sử[3] thì một hôm bà than rằng: "Ta xem tất cả các pháp trong thế gian đều như mộng ảo, huống gì là những thứ vinh hoa phù phiếm mà có thể trông cậy được sao?". Sau đó, bà đem cho hết các đồ trang sức, đến xin xuất gia (thọ Bồ-tát giới) với Thiền sư Chân Không ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).

Thuận theo thỉnh nguyện của bà, nhà sư Chân Không xuống tóc cho, ban hiệu là Diệu Nhân và cho phép bà tu học tại ni viện Hương Hải[4] ở làng Phù Đổng.

Hằng ngày, ni sư Diệu Nhân gìn giữ giới luật và hành thiền, được tăng chúng thời bấy giờ xem trọng. Theo sử liệu, thì bà là người đứng đầu thế hệ thứ 17 của Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi thời nhà Lý[5].

Ngày mùng 1 tháng 6 năm Hội Tường Ðại Khánh năm thứ 4 (1113), đời vua Lý Nhân Tông, ni sư Diệu Nhân lâm bệnh, gọi tăng chúng đến đọc kệ (thị tịch). Sau đó, ni sư gội tóc, tắm rửa sạch sẽ, ngồi kiết già mà viên tịch, thọ 72 tuổi.

Cuộc đời của ni sư Diệu Nhân đã được sách Đại Việt sử ký toàn thư chép gọn như sau:

Quý Tỵ, [Hội Tường Đại Khánh] năm thứ 4 [1113]... Mùa hạ, tháng 6, phu nhân của châu mục Châu Đăng là công chúa họ Lý mất. Phu nhân tên là Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Càn vương, được (vua) Thánh Tông nuôi ở trong cung, lớn lên phong làm công chúa, gả cho châu mục Châu Chân Đăng là người họ Lê, chồng chết, phu nhân tự thề ở góa, đi tu làm sư nữ, đến đây mất, thọ 72 tuổi. (Vua) Thần Tông tôn làm Ni sư[6].